Hoàn cảnh thương tâm đó là gia đình của cụ bà Đoàn Thị Sáu (ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Ở cái tuổi gần đất xa trời, cơ thể bị đủ loại bệnh tật hành hạ nhưng hằng ngày bà vẫn “thân cò” nhặt nhạnh từng vỏ chai đem bán. Cuộc đời của bà là những tháng ngày vất vả, vừa lo toan miếng cơm manh áo vừa lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ cho các con.
Đôi bàn tay nhăn nheo, quờ quạng xếp từng lon bia, vỏ nhựa, tờ báo cũ… vào chiếc bao bố đã cũ nát, bà kể lại những bước thăng trầm đời mình. Năm 22 tuổi bà lấy chồng. Niềm hạnh phúc nhất của hai vợ chồng là khi lần lượt chứng kiến 3 đứa con ra đời. Nhưng niềm vui chưa tày gang, số phận đã cướp đi của bà và hai con người chồng, người cha thân yêu. Chồng đột ngột ra đi vì bệnh tật khi các con chưa đủ lớn khôn, người mẹ trẻ chỉ còn biết ngậm ngùi xót xa.
Hai mẹ con bà Sáu trong căn nhà tồi tàn, cũ kĩ
Dù cái đói, cái nghèo bủa vây nhưng chẳng bao giờ bà than vãn. Vậy mà mỗi lần nghĩ về cảnh con cái côi cút, trong nhà không có người đàn ông trụ cột, bà lại sầu lòng. “Nghĩ đời mình chẳng ra gì, lúc đó sống chỉ vì con thôi. Nên sau giải phóng, 4 mẹ con lặn lội từ Quảng Trị vào đây. Những ngày đầu thiếu thốn trăm bề, tưởng chừng mấy mẹ con không vượt qua được”, bà nghẹn ngào.
Những tưởng tai ương chỉ dừng lại ở đó nhưng số phận lại trêu ngươi. Trong 3 đứa con ấy chỉ duy nhất chị Lê Thị Hồng Loan (46 tuổi) là người bình thường và đã có gia đình riêng. Còn anh Lê Đức Tân (45 tuổi) và chị Lê Thị Tuyết (40 tuổi) nhiều năm nay bỗng hóa điên. Mỗi lần lên cơn, anh Tân bỏ nhà đi mất mấy ngày. Còn chị Tuyết ngồi trên chiếc xe lăn thỉnh thoảng rú lên những câu vô nghĩa. Nhìn các con nửa tỉnh nửa mê, trái tim bà thêm quặn thắt.
Những ngày khỏe bà vẫn cố gắng nhặt nhạnh từng chiếc ve chai
Ở độ tuổi thất thập, bà vẫn phải oằn lưng nuôi con. Vài chục ngàn từ gánh ve chai chỉ có thể lo cho 3 mẹ con rau cháo qua ngày. Hằng ngày phải chăm sóc, tắm giặt cho con đã lấy đi của bà Sáu không biết bao nhiêu sức lực. Vì tuổi cao sức yếu cộng với sự thiếu thốn trăm bề nên nhiều năm nay, bà Sáu mang trên mình các căn bệnh khó chữa: hen phế quản, suy tim độ 2 do suy mạch vành, tụt huyết áp…
“Một tháng 30 ngày, hết 20 ngày tôi nằm điều trị ở BV đa khoa Dầu Giây rồi. Uống thuốc nhiều hơn là ăn cơm. Chỉ tội cho 2 đứa con vất vưởng. Đi lên đây mà ruột gan cứ nóng hừng hực…”, bà Sáu lại nước mắt giàn giụa. Bà lo lắng và sợ hãi cũng đúng thôi. Đã đến lúc bà phải nghĩ đến cái sự chẳng lành: nếu bà qua đời ai sẽ săn sóc các con?
Sống gần hết đời người, chưa bao giờ bà dám mơ đến bữa cơm tươm tất cho cả nhà. Những ngày bà nằm viện, 2 đứa con của bà đều nhờ vào sự cưu mang của hàng xóm, ai cho gì ăn nấy. Nhưng những người láng giềng tốt bụng cũng đâu thể gánh vác mãi được.
Ông Nguyễn Thanh Hòa - trưởng ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2 cho biết: “Hoàn cảnh gia đình bà Sáu vô cùng khó khăn, là hộ được hưởng hộ nghèo hơn 10 năm nay. Ở độ tuổi như bà đáng lẽ phải được an dưỡng tuổi già nhưng tai ương nhiều quá… Chúng tôi và bà con hàng xóm cũng chung tay mỗi người đóng góp một ít để giúp đỡ thêm cho gia đình nhưng chỉ là giải pháp cơ bản vì ở địa phương còn nhiều trường hợp khác nữa”.
Hiện tại, mấy mẹ con bà sống bằng tiền phí điều trị tâm thần, hộ nghèo của nhà nước. Căn nhà cũ nát xập xệ, nặng mùi xú uế mang đến cho người ta cảm giác âm u, lạnh lẽo. Những mảng vôi bong tróc vương vãi khắp nền nhà. Nhìn cảnh ấy, bà con lối xóm chạnh lòng thương cho 2 đứa con ngây dại, luôn miệng cười nói mà không nhận biết được ai, lại thương hơn cho bà Sáu suốt ngày còng lưng, cặm cụi sớm hôm với mớ đồng nát.